Việc sống chung dường như là những điều đương nhiên đối với các sinh viên ở trọ xa nhà. Đối với tân sinh viên, các em cần lưu ý những khó khăn mà irangreenvoice chia sẻ dưới đây trước khi bước vào đời sống chung thực sự nhé!
Trở thành tân sinh viên là niềm vui của thí sinh, phụ huynh
Sinh viên sống chung không chỉ để share tiền nhà mà còn là để giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi vui cũng như khi buồn cũng như để giúp đỡ nhau trong học tập. Tuy nhiên, để tìm được một người bạn “tâm đầu ý hợp” chẳng phải đâu phải dễ dàng. Bởi có những khó khăn trong việc sống chung mà các bạn, nhất là những bạn tân sinh viên sắp phải trải qua.
Mục Lục
Tân sinh viên và việc sống chung: không hợp nhau
Người xưa có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Quả thực không sai, đến cả anh chị em trong một nhà, cùng một mẹ một cha còn có tính nết khác nhau, sống chung còn khó huống gì “anh với tôi đôi người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Đã không hợp nhau thì rất dễ gây bất hòa, rất khó để sống cùng một phòng
Bạn bè cùng lớp cấp 3, thậm chí bạn thân nhau từ thuở mẫu giáo nhưng chưa chắc đã hợp nhau. Có không ít đôi bạn từng một thời thân nhau bỗng “trở mặt” khi vừa về sống chung được 1 tuần, 1 tháng, hay 1 năm. Trường hợp này không phải là hiếm.
Chơi được với nhau nhưng chưa chắc đã sống chung được với nhau
Bạn Thu Hằng, sinh viên năm 3 Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tâm sự: Đến giờ mình mới thấm câu nói: đừng đưa bạn thân về ở cùng phòng nếu không muốn mất bạn. Hai đứa mình chơi thân từ thời mẫu giáo, vào cao đẳng học cùng ngành, chỉ khác lớp. Bố mẹ cũng chơi thân với nhau. Cứ tưởng đời sẽ nở hoa vì gặp được tri kỉ nhưng “đời không như là mơ”. Cả hai đã không nhìn mặt nhau, coi nhau là “cám” của đời mình khi về ở chung được 1 năm. Đúng là chơi được nhưng chưa hẳn đã sống chung được đâu nhé các bạn.
Tuy nhiên, có những đôi bạn chỉ gặp nhau ở trường, khác biệt vùng miền nhưng họ vẫn sống vui vẻ bên nhau. Ngày ngày đi học, đi làm thêm, tối đến lại quây quần bên nhau, bên những nồi cơm mới dở vung, bên những nồi canh cạnh bếp lửa,…Chẳng hiểu sao, tự khi nào họ đã trở thành tri kỉ của nhau.
Tân sinh viên và việc sống chung: trộm cắp
Chúng ta thường cảnh giác với trò trộm cắp ngoài đường, khu xóm nhưng mấy tân sinh viên cảnh giác với trộm cắp với người ở cùng một phòng phải không?
Mất dăm ba chục đã khó chịu nhưng vẫn có thể bỏ qua nhưng nếu mất những thứ có giá trị lớn thì không thể nào chịu được. Đã có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của bạn cùng phòng để ăn cắp laptop đi bán, trộm ví, trộm xe,…
Có một trường hợp đáng sợ hơn là giả vờ xin ở ghép để phục vụ mục đích ăn cắp của mình. Tâm lý chung của tân sinh viên là tìm thêm bạn ở để share tiền phòng. Trên các diễn đàn, nhóm sinh viên thường có status tìm người ở ghép. Nắm được thông tin, địa điểm phòng trọ của người đang tìm, bạn A của Trường ĐH B trên địa bàn Hà Nội đã xin đến ở ghép. Thế nhưng, đúng lúc 3h sáng, khi mọi người vẫn còn đang chìm vào giấc ngủ say thì bạn A đã mở của ra ngoài mang theo chiếc laptop của bạn cùng phòng và không bao giờ quay trở lại?
Những lúc gặp trường hợp như trên hoặc tương tự thì hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến việc nhờ công an điều tra giúp. Nhưng có bao giờ các bạn tự đặt lại câu hỏi: có quá nhiều vụ việc, tài sản ấy có đủ lớn để cảnh sát bỏ công điều tra hay không?…Tốt nhất của mình thì hãy giữ cẩn thận.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc sống chung mà tân sinh viên phải trải qua nhưng có lẽ đó là 2 điểm nổi bật mà các bạn lưu ý để cuộc sống trọ xa nhà có nhiều niềm vui, tiếng cười hơn.